Có nghìn lẻ một nguyên nhân dẫn tới việc ly thân của các cặp vợ chồng, nhưng có một điểm chung: đây là giải pháp mà nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn khi không muốn ly hôn hoặc cảm thấy cuộc hôn nhân của mình chưa bế tắc đến mức phải ly hôn.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa quy định về ly thân vào dự Luật là “lợi bất cập hại”, chỉ khiến cho các cặp vợ chồng nhanh chóng chia tay hơn.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới: “Chưa thấy gì hay trong việc đưa ly thân vào Luật mà chỉ thấy phức tạp, rắc rối thêm
Ly thân khá phổ biến
Sau 25 năm chung sống, đã có với nhau 3 mặt con, ông Đức, bà Hà quyết định ly thân. Nguyên nhân không phải do ông Đức có “bà nào” khác, cũng không phải do bà Hà không làm trọn bổn phận người vợ, người mẹ, mà đơn giản chỉ là do nếp sinh hoạt lúc tuổi già của ông bà bỗng dưng có nhiều điểm khác nhau.
Không muốn cho con cái, gia đình, họ hàng biết chuyện, bà Hà quyết định đến ở với cô con gái lớn mới lấy chồng để chuẩn bị chăm cháu còn ông Đức vẫn ở lại ngôi nhà mà 2 vợ chồng đã dầy công xây dựng.
Không giống như ông Đức, bà Hà, vợ chồng chị Linh, anh Tân mới cưới nhau chưa được 2 năm. Họ quyết định ly thân sau khi anh Tân phát hiện vợ có nhiều mối quan hệ “phức tạp” ở bên ngoài. Đau đầu là ở chỗ hai anh chị đã có 1 cô con gái gần 1 tuổi xinh xắn, dễ thương và cũng đã dốc vốn mở một công ty và tậu nhiều bất động sản ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
Anh Tân muốn chia tài sản để đầu tư, kinh doanh riêng nhưng chị Linh nghi ngờ chồng vẽ ra chuyện ly thân để tẩu tán tài sản nên cương quyết không đồng ý. Hai anh chị cũng chưa muốn ly hôn vì con gái còn quá nhỏ.
ảnh minh họa |
Xã hội càng phát triển, càng nhiều áp lực lên cuộc sống gia đình thì việc ly thân, ly hôn cũng ngày càng phổ biến. Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, có tới 90% các cuộc ly hôn đều trải qua giai đoạn ly thân. Tuy nhiên, Luật HN-GĐ năm 2000 chỉ thừa nhận hai phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa vợ và chồng là thông qua hòa giải và thông qua việc chấm dứt hôn nhân bằng ly hôn. Chế định ly thân chưa được nhà làm luật Việt Nam thừa nhận.
Ban Soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 nhận định: Ly thân là một hiện tượng tồn tại khách quan trong thực tiễn đời sống và vì vậy, pháp luật không thể không đề ra các quy định để giải quyết các vấn đề liên quan.
Cũng theo Ban soạn thảo, do Luật HN-GĐ hiện hành không quy định về vấn đề này, nên các Tòa án không thể thụ lý giải quyết theo yêu cầu của vợ chồng. Điều này kéo theo nhiều hậu quả, chẳng hạn, khi vợ chồng không sống chung nhưng không phân định được người trực tiếp chăm sóc, giáo dục con, không xác định rõ trách nhiệm của vợ chồng đối với các giao dịch do một bên vợ, chồng thực hiện... Vì vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HN-GĐ năm 2000 đã dành hẳn một mục với 5 Điều tại Chương Ly thân và Ly hôn để quy định về vấn đề này.
Muốn giấu còn không được, sao lại “loa” lên?
Công nhận ly thân là một thực tế đã, đang và sẽ còn diễn ra nhưng ông Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Phần lớn việc ly thân chỉ có 2 vợ, chồng biết với nhau, thậm chí họ còn giấu con cái, gia đình, họ hàng để không ảnh hưởng tới tâm lý, tình cảm của người thân. Dù pháp luật không quy định thì người ta vẫn ly thân. Cái hay của ly thân là không công khai nên các cặp vợ chồng mới có thời gian tĩnh tâm nhìn lại cuộc hôn nhân đã trải qua và có “cửa” để quay lại với nhau”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới đặt câu hỏi: “Trước nay có ai nói ly thân phải phân chia tài sản đâu, nay lại nói pháp luật quy định ly thân phải phân chia tài sản khác nào thúc người ta ly hôn nhanh”. Với phân tích này, ông Nguyễn Hữu Minh khẳng định: “Chưa thấy gì hay trong việc đưa ly thân vào Luật mà chỉ thấy phức tạp, rắc rối thêm”.
Ông Tưởng Duy Lượng, Phó Chánh án TANDTC cho biết, không hề có chuyện luật không quy định thì một cặp vợ chồng không muốn ở với nhau vẫn phải ở chung nhà. Trên thực tế, chẳng có luật nào cấm hai người không thích ở với nhau thì ly thân, không thích ly thân nữa thì lại về ở với nhau. Còn nếu băn khoăn về việc phân chia tài sản thì pháp luật hiện hành không có gì cản trở, thậm chí, hai vợ chồng đang có cuộc hôn nhân bình thường muốn chia toàn bộ tài sản cũng không có gì khó khăn cả.
Cũng quan ngại về quy định này, bà Hoàng Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc góp ý: “Đối với một nước Á đông như Việt Nam, việc đưa ly thân vào Luật cần phải hết sức cân nhắc. Ly thân là vấn đề riêng tư, bố mẹ còn phải giấu con cái, giờ lại công bố cho tất cả mọi người biết thì tôi cho rằng quy định này chưa đủ sức thuyết phục”.
Nhiều chuyên gia pháp luật đặt câu hỏi: không ly thân vẫn ly hôn được thì việc thừa nhận ly thân dưới tình trạng pháp lý nhằm mục đích gì?. Bà Bùi Thị Thanh Hằng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 1972 của Việt Nam cộng hòa thì ly thân được coi là tình trạng tiền ly hôn để các cặp vợ chồng có thời gian xem xét lại tình cảm của mình và để tránh phải hòa giải. Nếu đưa ly thân vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì cũng nên tính theo phương án này.
Bà Bùi Thị Thanh Hằng cũng băn khoăn về quy định “sau hai năm kể từ khi có quyết định cho ly thân” mới được yêu cầu giải quyết ly hôn vì quy định này có khả năng vi phạm quyền con người do thực tế có nhiều phụ nữ bị rơi vào tình trạng bị đe dọa trong thời gian ly thân.
Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Trưởng Ban soạn thảo gợi ý phương án đặt ly thân trong chế định ly hôn. Nếu một cặp vợ chồng yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải mà họ chấp thuận ly thân thì coi ly thân là giai đoạn tiền ly hôn, nếu sau này họ quay trở lại với nhau thì tốt, còn nếu họ vẫn tiến hành ly hôn thì không phải hòa giải nữa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét