Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại có cả ngày Thế giới chống lại án tử hình. Nhiều tổ chức nhân đạo và tôn giáo đã kêu gọi các quốc gia mau chóng loại bỏ án tử hình, chắc chắn không thể hiểu đơn giản theo nghĩa họ "bênh vực tội phạm", "khuyến khích tội phạm"... Thế nhưng ở Việt Nam thời gian qua, chúng ta vẫn phải chứng kiến những bản án hà khắc lấy đi sinh mạng của người phạm tội.

Vì một thế giới không còn án tử hình

Mạng người mất đi, không thể sửa lại

Chỉ trong vòng mấy tháng  gần đây, chúng ta phải chứng kiến quá nhiều vụ giết người. Và cái kết đau lòng cho những kẻ sát nhân đó thường là “mạng đổi mạng” – kiểu bản án như thời trung cổ. Một thanh niên ở Bình Phước đánh chết tài xế xe khách vì bị ép xe ngã xuống đường bị tử hình, một người đàn ông ở Bà Rịa – Vũng Tàu tự nhận án tử hình vì phạm tội giết vợ, không dám nhìn mặt con; một chàng trai ở TP.HCM không chấp nhận bị người yêu bỏ nên đã gây ra cái chết kinh hoàng cho người yêu và chịu mức án tử hình…  và gây rúng động mạnh mẽ nhất trong xã hội là vụ tử hình “tướng cướp” Hồ Duy Trúc trong vụ án “chặt tay cướp xe SH”.

Có đủ lý do để người ta nhân danh "sự đồng tình cao của xã hội" chỉ qua một vài thao tác "có tính chất nghiệp vụ" để đưa một người đến với án tử hình: Phạm tội thì phải bị pháp luật trừng trị, giết người thì phải đền mạng, huống chi là cố tình giết người và với những cách thức man rợ.

Rồi thời gian trôi qua, người ta cũng sẽ nhanh chóng lãng quên đi tất cả những vụ án mà bây giờ người ta đang xôn xao, những con người mà bây giờ người ta đang lên án. Nhưng mỗi một mạng người mất đi sẽ không bao giờ tìm lại được nữa, và dường như càng nhiều án tử hình, càng thể hiện sự bất lực của pháp luật.

Tại sao chúng ta không tìm hiểu xem vì sao hình thức tội phạm ngày càng nhiều và man rợ và cách để trị tận gốc mà lại trừng phạt theo kiểu thấy ngọn cỏ nào phát triển thì phát nó đi. Phương pháp đó làm sao ngăn chặn được những cây cỏ khác  mọc lên. Những vụ tử hình như vậy chắc chắn sẽ không ngăn được những tội ác khác mà sẽ tạo ra những tâm lý đáng sợ trong cộng đồng.

 Đó là tâm lý coi thường mạng sống và nhân phẩm của người tội phạm. Hiện nay dễ dàng thấy những comment của những người dân đang tức giận. Thậm chí họ còn đòi tử hình hết cả bè lũ và gia đình của người phạm tội. Trên mạng xã hội, trên các diễn đàn… đâu đâu người ta cũng hết lời phỉ báng, bất bình trước tội ác man rợ của những kẻ phạm tội. Vậy nên dù họ có được sống trở về, ắt hẳn cũng chẳng thể hòa nhập với cuộc sống, chẳng thể nhận sự tha thứ của mọi người khi mà họ đang sống trong xã hội mà con người coi thường mạng sống và nhân phẩm của người phạm tội. Viết đến đây lại nhớ đến câu nói bất hủ của nhân vật Chí Phèo: "Ai cho tao lương thiện?". 

Tới nay, trên thế giới đã có 2/3 các quốc gia bãi bỏ án tử hình. Những nước ấy không có tỉ lệ tội phạm cao hơn các nước khác, thậm chí là ngược lại. Nếu giữ mãi án tử hình, cái vòng luẩn quẩn của bạo lực là bạo lực. Làm sao chúng ta có thể cho thấy giết người là sai trái bằng cách giết một người khác?

Tử hình không bao giờ ngăn chặn được tội ác. Vì vậy, nếu chúng ta duy trì án tử hình để chống lại tội phạm nguy hiểm thì đó không phải là vấn đề ngăn chặn tội phạm, mà chỉ là cách trả thù, là chúng ta muốn giết kẻ giết người mà thôi.

Tội phạm cũng cần được bảo vệ

Trên thực tế,  không có một hệ thống tư pháp nào là không có sai lầm trong xét xử.
Vấn đề "sai lầm trong xét xử" không chỉ ở những hành vi ép cung, mớm cung, mà ngay cả dùng những "quy định" để lạnh lùng chấm dứt quyền sống của một con người, thì phải chăng sự "máu lạnh" ấy đã được nhân danh pháp luật, nhân danh cộng đồng? Có những sai lầm có thể làm lại được, nhưng mạng người đã bị tước đoạt, làm sao để đền bù đây. Và ai sẽ đảm bảo rằng, một ngày nào đó, tôi hoặc bạn sẽ an toàn trong tình huống "tình ngay lý gian" và không phải chịu một cái kết tức tưởi bởi một đám đông người đang thiếu kiểm soát. 

Ở vụ án tử hình tướng cướp Hồ Duy Trúc ,  người ta xâu chuỗi rất khéo và rất tài tình, rằng vì sống trong hoàn cảnh gia đình ít học, ít giáo dục (với người mẹ, người thân chua ngoa, chợ búa như thế) nên sinh ra kẻ phạm tội "máu lạnh" là phải. Vậy thì có rất nhiều kẻ máu lạnh lại được sống từ những gia đình đàng hoàng, tử tế, có giáo dục và có những người cha mẹ còn quỳ lạy xin nạn nhân tha thứ, thì biết đổ sự phạm tội ấy cho ai?

Pháp luật có tính nguyên tắc, nhưng pháp luật sinh ra cũng là vì con người, mà một tên tội phạm dù có phạm tội ác tày đình thì vẫn được gọi là “người”, cũng cần được bảo vệ. Nguyễn Trãi là người đầu tiên được biết đến trong lịch sử Việt Nam đã nêu ra vấn đề có tính thời đại này, khi có lần 07 tên ăn trộm đều còn ít tuổi can tội tái phạm, hình quan chiếu luật xử chém. Bọn Đại tư đồ Lê Sát tỏ ra ngần ngại. Vua đem việc ấy hỏi Nguyễn Trãi, khi ấy Nguyễn Trãi trả lời: “Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa cũng rõ lắm rồi. Nay một lúc giết bảy người, e không phải hành vi của bậc đại đức..." (Đại Việt sứ ký toàn thư).


Pháp lệnh không bằng nhân nghĩa, hay pháp lệnh cũng cần phải có nhân nghĩa? Tuyên một bản án để loại vĩnh viễn một con người ra khỏi xã hội không quá khó nếu cứ chiếu đúng theo những quy định của pháp luật. Nhân nghĩa của pháp luật và nhân nghĩa cộng đồng có lẽ nào lại không xuất phát từ những giá trị nhân văn (vì quyền sống và quyền con người) như trên, chí ít trong bản án dành cho tội trộm cướp?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét