Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Mấy ngày nay, trên mạng tôi đọc được rất nhiều thông tin trái chiều về quy định xử phạt đội mũ bảo hiểm rởm đối với những người tham gia giao thông hay không. Và làm thế nào CSGT phân biệt được đâu là mũ thật đâu là mũ giả. Thú thật tôi thấy mình như đang đi vào một mê cung tít mù rồi lại… vòng quanh với hàng chục bài báo với những ý chẳng ăn nhập gì. Cùng một tờ báo mới lúc trước khẳng định “Từ 1.7 sẽ bắt đầu xử phạt đội mũ bảo hiểm rởm”, lát sau lại đã thấy đăng bài “Không xử phạt người đội mũ bảo hiểm rởm”. Rồi thì “Hàng trăm người đội mũ bảo hiểm rởm bị nhắc nhở”, “Bộ công an: Làm gì có chuyện phạt người đội mũ bảo hiểm rởm”…

Thú thật tôi cũng đội mũ bảo hiểm mua ở vỉa hè, thấy có nhãn mác đàng hoàng nhưng giá 50 ngàn và chính tôi cũng còn không biết cái mũ mình đang đội có phải loại MBH rởm sẽ bị xử phạt hay không.



Xác định bằng “cảm quan”?

Để xử phạt ngưởi tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả, trước hết cơ quan chức năng phải có những tiêu chí cụ thể để phân biệt thế nào là mũ giả, thế nào là mũ thật. Tuy nhiên các tiêu chí này xem ra cũng mơ hồ lắm.

Trên báo Tiền Phong, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng PC67 Hà Nội cho biết: “Kiểu dáng các loại mũ đều giống nhau, CSGT bằng mắt thường cũng rất khó phân biệt thật giả. Quan trọng nhất là tuyên truyền, nhắc nhở để nhân dân biết và thực hiện tốt việc đội MBH khi tham gia giao thông, còn các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các địa điểm sản xuất mũ không đạt chuẩn”.

Còn trên báo GiadinhNet, một cựu lãnh đạo Ủy ban ATGT cho rằng đa số người dân biết nhưng vẫn cố tình mua loại MBH rẻ tiền, mỏng dính và đầy màu sắc để đội cho có, cho đẹp. Vì lẽ đó, chế tài “rắn” để răn đe, thay đổi nhận thức là điều nên làm. “Tôi đảm bảo rằng, chỉ bằng cảm quan thôi, không cảnh sát giao thông nào đi dừng xe, xử phạt người đội những chiếc MBH dày dặn, cứng cáp dù chưa biết nó có phải hàng xịn hay không. Cảnh sát giao thông sẽ nhằm vào những người đội loại mũ mỏng tẹt như mũ phớt vậy. Ai đội loại MBH này, nếu có bị phạt, tôi đảm bảo là không oan ức gì!”.

Quá nhiều thông tin trái chiều, thậm chí từ các vị lãnh đạo cao cấp nên người dân cũng chẳng còn biết tin ai. Ừ thì cứ cho ông cự lãnh đạo Ủyban ATGT  nói đúng, là bằng cảm quan người bình thường phân biệt được loại mũ thật giả. Thế nhưng “cảm quan” là giác quan và cảm xúc, nghe vừa cảm tính lại vừa mơ mơ hồ hồ thế nào. Chả nhẽ khi kiểm tra để khẳng định chiếc mũ bảo hiểm người dân đang đội là thật hay giả, CSGT cũng dựa vào “cảm quan”, nghĩa là chẳng có một tiêu chí cụ thể nào trong luật quy định như vậy. Tất cả việc xử lý hay không xử lý, chỉ là dựa vào cảm xúc cá nhân của các nhân viên làm nhiệm vụ mà thôi.

Chưa kể quy định như vậy theo tôi thấy là rất phân biệt đối xử với những người khiếm thị, khiếm thính. Họ không nhìn thấy nên không thể bằng “cảm quan” phân biệt được. đã bị gian thương lừa một lần rồi, lại còn bị CSGT phạt, thử hỏi họ có còn được đối xử công bằng trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn mình không?

Mập mờ khái niệm

Trên báo Tiền Phong, đại diện Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C67 - Bộ Công an) khẳng định, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP đã quy định rõ, chỉ xử phạt người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không cài quai và đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy.

Nghĩa là ở đây có khái niệm mới: “Đội mũ không phải MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy”.

Thế nhưng tôi tìm trong Nghị định 171, người tham gia giao thông chỉ có thể bị xử phạt 2 hành vi: “không đội mũ bảo hiểm” và “đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định” chứ hoàn toàn không có quy định gì về hành vi đội mũ bảo hiểm rởm. Vậy dân nên hiểu làm sao?

Cũng trên báo Tiền phong, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Người đi mô tô, xe máy đội loại mũ không phải là mũ bảo hiểm (không có khả năng bảo vệ khi xảy ra tai nạn) coi như không đội”.
Đọc câu phát biểu của vị Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, chẳng biết ai thế nào chứ tôi thấy càng đọc càng thấy mịt mùng, khó hiểu. Tức là vì trong Nghị định 171 không có điều khoản nào quy định về phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, cho nên với người đội mũ không phải là mũ bảo hiểm thì sẽ bị “coi như” không đội và xử phạt như người không đội?  

Vậy nếu tôi đi xe máy ra đường, bị CSGT tuýt còi xử phạt do tôi có đội mũ bảo hiểm nhưng vì mũ rởm nên bị “coi như” không đội mũ bảo hiểm, nhưng tôi lại “coi như” mình vẫn đội mũ bảo hiểm vì rõ ràng trên đầu tôi có đội mũ và tôi “coi như” đó là một cái mũ bảo hiểm, thì các  đồng chí CSGT giải thích thế nào? Rõ ràng trong chuyện liên quan đến pháp luật, các khái niệm, điều khoản phải được quy định rõ ràng, chuẩn xác, không thể dựa vào cái A để “coi như” B.

Tiếp nữa, theo giải thích của ông Khuất Việt Hùng, CSGT “không phải làm nhiệm vụ phân biệt thật giả và xử lý với trường hợp mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng hay không, tem gắn trên mũ giả hay thật”. Ô lạ chưa,  nếu CSGT mà không phải phân biệt thật giả thì làm sao họ có quyền đưa ra kết luận là cái mũ này là mũ bảo hiểm rởm để xử phạt ngưởi dân?

Luật như trò đùa

Xử phạt trong lĩnh vực giao thông mà cứ  như trò đùa. Hình như cơ quan chức năng lâu lâu lại nhớ ra một chiêu để làm dậy sóng dư luận. Tôi còn nhớ có một thời gian xử phạt rất nghiêm xe máy không có gương chiếu hậu nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu; nên người ta có đủ lý do tin rằng rồi cái chuyện phạt mũ bảo hiểm rởm này cũng sẽ bị chìm vào lãng quên.

Thêm nữa, việc xử phạt, thu hồi mũ bảo hiểm rởm cũng gặp khó vì các loại mũ bảo hiểm rởm không có tem “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”  nên không thể coi là hàng giả và không thể xử lý được người sản xuất và người bán. Nghĩa là họ chỉ sản xuất những chiếc mũ bình thường chứ họ không nói đấy là mũ bảo hiểm, sao lại nói họ làm MBH giả được. Cơ quan chức năng cũng “gặp khó” khi xử mũ bảo hiểm rởm,  thế nên chi bằng cứ giao phó hết cho dân, dân mà mua phải mũ rởm thì dân chịu hết.

Câu chuyện mũ bảo hiểm rởm cuối cùng chẳng khác gì chuyện “tít mù rồi lại vòng quanh”, toàn những mơ hồ, nào là “coi như”, nào là “cảm quan”. Thế nên ngay từ ngày đầu tiên xử mũ bảo hiểm rởm, các cơ quan chức năng tuyên bố: “trọng tâm nhắc nhở, tuyên truyền là chính, mục đích không phải phạt thu tiền”.

Hỡi ôi, thế thì có khác nào chuyện “giơ cao đánh khẽ”, cứ đề xuất ra nhưng chẳng biết thực thi thế nào, hiệu quả đến đâu?

Câu hỏi này chưa biết ai sẽ trả lời, trả lời ra sao. Người bán mũ bảo hiểm rởm cứ bán, người phạt mũ bảo hiểm rởm cứ phạt. Thôi thì vì mình chỉ có suất là dân thì cứ nghiêm túc mà chấp hành pháp luật đi đã.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét