Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

Hỏi: Tôi hiện là công nhân, chồng tôi mở một cửa hàng bán đồ ăn vặt ở gần nhà. Gia đình tôi đang quản lý và sử dụng một thửa đất do bố mẹ để lại cách đây gần 40 năm, trên đất có nhà do bố mẹ tôi xây. Về nguồn gốc đất, tôi không được rõ vì các cụ đã qua đời từ lâu. Hiện, mảnh đất này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Thời gian gần đây có người đến yêu cầu trả lại đất, nếu không sẽ khởi kiện để đòi lại. Tôi nghe nói thời gian lâu như vậy thì thời hiệu khởi kiện đã hết, như vậy có đúng không?



Hoài Thu

Trả lời:


Về thời hiệu khởi kiện, theo khoản 3 Điều 155 Bộ luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Điểm a khoản 3 Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định về thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp về quyền sở hữu tài sản: tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Với các quy định nêu trên, trường hợp của bạn không thuộc trường hợp áp dụng thời hiệu khởi kiện. Nói các khác, chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản có quyền khởi kiện bất cứ lúc nào mà không bị hạn chế về thời hạn.

Về việc gia đình bạn có phải trả lại thửa đất hay không, theo quy định tại khoản 1 Điều 247 Bộ luật Dân sự: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu”. Do vậy, nếu gia đình bạn chứng minh được là đã chiếm hữu, sử dụng thửa đất đó ngay tình, liên tục, công khai từ 30 năm trở lên thì gia đình bạn trở thành chủ sở hữu tài sản kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.

Mặt khác, theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, người kiện đòi tài sản phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đòi tài sản của mình là có căn cứ và hợp pháp. Do vậy, kể cả trường hợp gia đình bạn không chứng minh được là đã chiếm hữu, sử dụng thửa đất đó ngay tình, liên tục, công khai từ 30 năm trở lên thì điều đó cũng không có nghĩa là gia đình bạn phải trả lại thửa đất cho người khởi kiện.

Việc gia đình bạn có phải trả lại thửa đất hay không phụ thuộc vào những căn cứ mà nguyên đơn đưa ra có đủ cơ sở chứng minh họ là chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp pháp tài sản mà họ đang kiện đòi hay không và yêu cầu kiện đòi của họ có phù hợp với quy định của pháp luật về kiện đòi tài sản hay không. Nếu các tài liệu, chứng cứ mà nguyên đơn xuất trình không đủ giá trị chứng minh thì yêu cầu của họ cũng không được tòa án chấp nhận.

1 nhận xét: