Tôi hiện là một nhân viên của một công ty làm dịch vụ bảo chung cư, trước đây tôi có tiết kiệm được một khoản tiền từ tích cóp hàng ngày của hai vợ chồng và một phần từ công việc trước tôi làm. Hiện nay hai vợ chồng có ý định mua một khoảnh đất để ổn định cuộc sống, tôi đặt cọc 100 triệu đồng mua một căn nhà tại quận Tân Phú (TP HCM) với giá gần 1,5 tỷ đồng. Theo thỏa thuận đặt cọc, nếu không mua tôi sẽ mất số tiền trên, nếu bên bán không bán sẽ mất gấp đôi tiền đặt cọc.
Sau đó, tôi lên quận hỏi về hiện trạng quy hoạch của thửa đất thì được biết một phần diện tích căn nhà nằm trong phạm vi quy hoạch nên không muốn tiếp tục thực hiện giao dịch mua bán nữa. Xin hỏi, tôi phải làm thế nào để lấy lại khoản tiền đã đặt cọc?
Phúc Nguyễn
Trả lời:
Theo khoản 2 Điều 29 Luật Đất đai, trường hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố có diện tích đất phải thu hồi mà Nhà nước chưa thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nếu người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng thì nhà nước thu hồi đất và bồi thường hoặc hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Nhà nước nghiêm cấm mọi hoạt động tự ý xây dựng, đầu tư bất động sản trong khu vực đất phải thu hồi để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình gắn liền với đất phải thu hồi mà làm thay đổi quy mô, cấp công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Điều này có nghĩa là, trong trường hợp nhà đất đã có quyết định thu hồi để thực hiện quy hoạch thì chủ sở hữu nhà đất không được phép thực hiện việc chuyển nhượng nhà và đất mà phải tiếp tục sử dụng theo mục đích đã xác định trước khi công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Theo Điều 132 Bộ luật Dân sự, khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Điều 410 Bộ luật Dân sự về hợp đồng dân sự vô hiệu cũng nêu rõ: “Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”.
Như vậy, trường hợp căn nhà bạn định mua đã có quyết định thu hồi đất để thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chủ nhà cố ý che giấu thông tin để bạn đặt cọc thì việc chủ nhà nhận đặt cọc bán nhà trong khi đất đã có quyết định thu hồi là vi phạm pháp luật đất đai. Theo các quy định vừa viện dẫn thì giao dịch đặt cọc mà bạn đã thực hiện sẽ bị vô hiệu. Bạn có thể khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu do bị lừa dối. Trong trường hợp việc đặt cọc bị tòa án tuyên vô hiệu thì bạn sẽ lấy lại được khoản tiền cọc.
Ngược lại, trường hợp căn nhà bạn định mua tuy vướng quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì quyền chuyền nhượng nhà và đất của chủ sở hữu nhà chưa bị hạn chế, miễn là việc chuyển nhượng đó được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định. Lúc này, mong muốn lấy lại tiền cọc của bạn sẽ phụ thuộc vào việc thỏa thuận, thương lượng giải quyết vụ việc của hai bên.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét