Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Hỏi: Tôi năm nay 75 tuổi, đang nuôi cháu nội 10 tuổi (cháu tôi mồ côi cha mẹ từ năm 3 tuổi) và tôi cũng đang quản lý cả mảnh đất mà bố mẹ cháu để lại. Nay tôi muốn cho cháu đứng tên toàn bộ giấy tờ nhà đất của bố mẹ cháu, đồng thời cho cháu thêm mảnh đất của tôi vì tôi ngày càng già yếu, sợ sau này có mệnh hệ gì. Nhưng tôi nghe cán bộ xã bảo khi nào cháu tôi 18 tuổi trở lên mới được đứng tên trong sổ đỏ, như vậy có đúng không?

Bà Nguyễn Thị Tằng ( Hà Nam)

Trả lời: 


Hiện nay, Luật Đất đai năm 2003 không quy định độ tuổi để được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).

Bộ Luật dân sự 2005 có quy định về độ tuổi của người thành niên và người có năng lực hành vi dân sự. Điều 19 Bộ Luật dân sự quy định: “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ…”. Điều 18 Bộ Luật dân sự quy định: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên”. 

Căn cứ quy định pháp luật trên thì người đủ 18 tuổi trở lên mới được quyền đứng tên sổ đỏ. 

Điều 15, Bộ luật Dân sự quy định về nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Theo đó cá nhân có các quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản. Tuy nhiên, người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật, ở đây là người giám hộ đồng ý (điều 20, Bộ luật Dân sự).

Cháu không còn cả cha lẫn mẹ thì ông nội, bà nội sẽ là người giám hộ đương nhiên. Trong trường hợp này, quan hệ dân sự trong việc xác lập quyền sử dụng đất cho cháu (người chưa thành niên) được pháp luật công nhận và thủ tục đứng tên cháu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua người giám hộ.

Nếu cán bộ xã cản trở việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cháu như bà trình bày là không phù hợp với quy định. Bà có quyền đề nghị UBND xã, huyện thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho cháu trong đó có xác định tư cách của người giám hộ theo đúng quy định của pháp luật

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các thông tin về phân chia di sản thừa kế để xác định rõ trường hợp của mình thuộc dạng nào.

2 nhận xét: