Thứ Ba, 4 tháng 11, 2014

Cầm trong tay sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) suốt 3 năm nay nhưng hàng chục hộ dân ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) chưa hề biết lô đấy ấy của mình nằm ở đâu dù họ đã hoàn thành thủ tục, đóng đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước. Và sự chờ đợi của họ đang có nguy cơ bị chơi trò “lập lờ đánh lận con đen” khi khu đất đó lại được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất  cho một người khác…

Những chiếc “bánh vẽ” từ hơn chục năm trước


Câu chuyện lạ lùng này xảy ra ở các thôn Yên Thịnh, Hà Tân, Văn Miếu, Đông Sành, Đoài Giáp ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Năm 2003, UBND thị xã Sơn Tây và UBND xã Đường Lâm thực hiện chủ trương giao đất giãn dân cho các hộ ở làng cổ Đường Lâm. Địa điểm thực hiện giao đất giãn dân thuộc các khu vực: Yên Ngựa, Gò Bố Về. 


Ông Đàm được cấp "sổ đỏ" nhưng chưa bao giờ nhìn thấy lô đất của mình.

14 hộ dân trong chủ trương này đã hoàn thiện mọi thủ tục, thế nhưng, đã 11 năm trôi qua, việc giao đất giãn dân đối với các hộ dân ở xã Đường Lâm vẫn chỉ là chiếc "bánh vẽ", chưa hộ nào được tận mắt thấy lô đất của mình. Lạ lùng hơn thế, hơn 3 năm trước, Phòng Tài nguyên Môi trường thị xã Sơn Tây đã cấp "sổ đỏ" cho những hộ dân này dù họ chưa một lần được nhìn thấy khu đất thực địa của mình.  

Một trong số 14 hộ dân là gia đình ông Ngyễn Khắc Đàm. Ông Đàm đã được chính Phó chủ tịch UBND Thị xã Sơn Tây Hà Văn Đông ký GCNQSD đất số: 595633 ngày 21-10-2010,  với diện tích 60m2, tại khu Gò Bố Về.  Năm 1994, khi xã có chủ trương cấp đất giãn dân, gia đình ông khi đó có 9 nhân khẩu, rất khó khăn về chỗ ở nên được lãnh đạo xã phê duyệt. Ông phải chạy vạy khắp nơi, mới vay đủ số tiền 24.240.000 đồng để nộp vào Kho bạc thị xã Sơn Tây và UBND xã Đường Lâm. Theo giải thích của lãnh đạo xã, đây là tiền thuế sử dụng đất và tiền xây dựng cơ sở hạ tầng như san nền, làm hệ thống thoát nước cho khu giãn dân. 

Đến tận tháng 10 năm 2010, ông nhận được giấy mời của xã, yêu cầu gia đình đến nhận đất tại thực địa khu Gò Bố Về, kèm theo ghi chú "gia đình chuẩn bị 4 cọc tre dài 0,5m để cắm mốc". Thế nhưng, khi ra thực địa thì chỉ là một cái ao chưa san lấp nên không thể cắm mốc được. Vài ngày sau đó, xã cử cán bộ địa chính mang GCNQSD đất tới tận nhà cho gia đình. Cầm "sổ đỏ" trong tay rồi mà gần 4 năm nay, chúng tôi vẫn không biết lô đất mình sở hữu nằm ở vị trí nào" – ông Đàm bức xúc.

Nỗi bức xúc của ông Đàm cũng là câu hỏi chung của tất cả hộ dân đang cầm trên tay những cuốn sổ đỏ là những chiếc “bánh vẽ” đã hơn chục năm nay. Thậm chí có gia đình còn phát hiện không hiểu vì sao lô đất trong “sổ đỏ” của mình còn được cấp GCNQSD cho người khác. Đó là trường hợp của ông Lê Quang Trung, 54 tuổi, ở thôn Hưng Thịnh, xã Đường Lâm.  Ông cho biết ngày 31-12-2003, gia đình đã nộp vào Kho bạc Sơn Tây số tiền là 24.240.000 đồng (bao gồm tiền cấp GCNQSD đất và lệ phí trước bạ), ngay sau đó ông Nguyễn Đức Lộc, khi đó là Phó Chủ tịch UBND xã Đường Lâm đã mời đại diện gia đình ký tên vào trích lục bản đồ thửa đất số 46, lô 2 khu giãn dân xứ đồng Yên Ngựa thuộc địa bàn xã Đường Lâm quản lý. Thế nhưng, 11 năm đã trôi qua, gia đình chưa nhận được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến quyền sử dụng đất ngoài giấy biên nhận việc đóng tiền. Và đến nay, “chúng tôi được biết thửa đất số 46, lô 2 lẽ ra thuộc về gia đình tôi nhưng lại được cấp GCNQSD đất cho người khác".

Một thửa đất – 2 “sổ đỏ” và sự vô trách nhiệm của chính quyền


Rõ ràng, ở đây có sự quan liêu của chính quyền địa phương. Nhưng càng tìm hiểu, sẽ còn nhiều điều “khó hiểu” hơn cả việc cấp sổ đỏ nhưng không có đất. Đó là việc một thửa đất lại 2 lần được cấp “sổ đỏ” mà chính quyền vẫn khăng khăng họ “đã làm hết trách nhiệm”.

Như chính vị trí lô đất của ông Nguyễn Khắc Đàm và một số hộ dân khác được UBND thị xã Sơn Tây cấp "sổ đỏ" lại đang thuộc quyền sở hữu của ông Phạm Văn Xuân, ở thôn Đoài Giáp. Gia đình ông Xuân đã được cấp GCNQSD đất số 00051, với diện tích 1.908m2, cấp ngày 29-9-1999. Từ đó đến nay, gia đình ông làm trang trại, chưa có bất cứ văn bản nào về việc thu hồi đất của gia đình để sử dụng vào mục đích giãn dân.

Một sự vô lý không thể chấp nhận được tồn tại đã hơn chục năm, nhưng ông Giang Mạnh Hoằng, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm lại trả lời: "Xã đã làm hết trách nhiệm. Việc cấp GCNQSD đất diễn ra từ trước, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo tiền nhiệm". Còn về số tiền các hộ dân đã nộp cho xã để làm cơ sở hạ tầng khu vực này, nhưng đến nay có đến 80% khối lượng công việc chưa thực hiện được, ông Hoằng cho biết, khi giữ cương vị Chủ tịch xã, ông không được bàn giao và cũng không biết đến số tiền này. Vậy những sổ sách “người tiền nhiệm” bàn giao ông không hề đọc qua? Và số tiền người dân phải đóng (có giá trị rất lớn ở thời điểm đó) đã “không cánh mà bay” đi đâu mất?

Rõ ràng những điều vô lý này đã tồn tại trong một thời gian dài và người dân cũng đã hết sức mình khiếu kiện nhưng họ vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Dù những tố cáo những vi phạm trong quản lý đất đai của người dân là có cơ sở khẳng định nhưng chính quyền lại ra sức đùn đẩy, né tránh, và đổ lỗi cho cán bộ tiền nhiệm chứ không cùng nhau tìm phương án giải quyết hợp tình hợp lý. Không biết đến bao giờ những người dân ở Làng cổ Đường Lâm mới có được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét