Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Theo như dự thảo Luật thì rửa tiền chủ yếu thông qua giao dịch ngân hàng, trong khi đó rửa tiền qua rất nhiều kênh, đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng chỉ là một kênh thôi. Điều đó chứng tỏ suốt từ năm 2005 đến nay, khi thành lập Cục rửa tiền nhưng có phát hiện ra vụ rửa tiền nào đâu.


ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh): Chưa nhận diện được các hành vi rửa tiền

Luật này có một sứ mệnh rất quan trọng là phải liệt kê được để có thể nhận dạng những hành vi rửa tiền giống như nhận dạng 12 hành vi tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhưng đáng tiếc dự thảo luật không nhận dạng được các hành vi này mà đưa ra khái niệm rửa tiền. Thực chất, Bộ luật Hình sự cũng đã quy định, nếu như có trợ giúp cho các hành vi rửa tiền hoặc chiếm hữu các tài sản mà thời điểm đó biết rõ phạm tội mà có thì cũng đều là đồng phạm của tội phạm rửa tiền và cũng là tội phạm của tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Theo như dự thảo Luật thì rửa tiền chủ yếu thông qua giao dịch ngân hàng, trong khi đó rửa tiền qua rất nhiều kênh, đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng chỉ là một kênh thôi. Điều đó chứng tỏ suốt từ năm 2005 đến nay, khi thành lập Cục rửa tiền nhưng có phát hiện ra vụ rửa tiền nào đâu. Chính vì vậy cho nên phạm vi điều chỉnh mà xác định là phòng, chống rửa tiền qua ngân hàng thì tên phù hợp với nội hàm của đạo luật này. Nếu như thấy rằng rửa tiền với tính chất là một đạo luật chung, qua nhiều kênh, nhiều lĩnh vực thì phải thiết kế lại rất nhiều nội dung.

Đối với cơ quan chủ trì, nòng cốt, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống rửa tiền, tôi cho rằng không ai khác là Bộ Công an. Vì nói đến rửa tiền là tội phạm hình sự, nó liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm nói chung, nhất là tội phạm tham nhũng, tội phạm ma túy và tội phạm sản xuất lưu hành tiền giả thường gắn liền với hoạt động rửa tiền. Việc này Bộ Công an quản lý sẽ phù hợp hơn. Liên quan đến Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân, tôi thấy rằng chỉ là cơ quan tố tụng thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được Bộ luật tố tụng Hình sự quy định rõ. Nếu có ở đây chỉ ghi một điều chung là trong phạm vi trách nhiệm của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, nhà nước khác trong việc đấu tranh phòng, chống rửa tiền.


Quy định các luật trong phòng chống rửa tiền

ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Để phòng, chống rửa tiền cần phải áp dụng rất nhiều quy định…

Về phạm vi của dự thảo Luật, cũng có ý kiến cho rằng còn thiếu nhiều quy định liên quan đến phòng, chống theo các biện pháp của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự... Đúng là để phòng, chống rửa tiền cần phải áp dụng rất nhiều quy định của các luật khác nhau và nhiệm vụ của luật này theo chúng tôi hiểu đây là luật đưa ra các biện pháp phòng, chống rửa tiền thông qua các biện pháp về kinh tế và hành chính chứ không thể quy định những biện pháp về xử lý hình sự hoặc những thủ tục về tố tụng hình sự trong này được.

Thứ hai, dự án luật này quy định tài trợ khủng bố như thế nào thông qua biện pháp rửa tiền? Tại Kỳ họp thứ Hai, tuy tên gọi là Luật Phòng, chống rửa tiền nhưng trong phạm vi điều chỉnh và trong nhiều chương, điều được quy định phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tuy nhiên đa số ý kiến của ĐBQH đề nghị phạm vi điều chỉnh của luật nên tập trung vào phòng, chống rửa tiền còn về tài trợ khủng bố dù được thông qua rửa tiền bằng các nguồn tài sản hợp pháp khác thì nên để quy định trong Luật Phòng, chống khủng bố.

Trong quá trình thẩm tra có 2 khái niệm rất quan trọng liên quan đến luật, đó là khái niệm về rửa tiền và khái niệm về tài sản. Trước hết, khái niệm về tài sản, chúng tôi đã so sánh và thấy không có vấn đề gì khác biệt giữa khái niệm tài sản quy định trong luật này và khái niệm tài sản quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên theo yêu cầu của tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền, chúng tôi cùng Ngân hàng Nhà nước tham mưu cho UBTVQH bổ sung một ý cho rõ hơn. Nếu như trong Bộ luật Hình sự chỉ quy định tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản khác thì nay bổ sung thêm hình thức tồn tại của các loại tài sản đó dưới hình thức là vật chất hoặc phi vật chất, động sản hoặc bất động sản, hữu hình hoặc vô hình, các chứng từ, công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó. Quy định như vậy không trái mà còn phù hợp với Bộ luật Dân sự, đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế. Đối với hành vi rửa tiền đúng là có một vấn đề lớn là trong Bộ luật Hình sự có quy định về tội rửa tiền, trong đó xác định những hành vi rửa tiền và liệt kê những hành vi rất cụ thể. Tuy nhiên theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và theo tài liệu Ngân hàng Nhà nước cung cấp thì các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền cũng đánh giá hành vi rửa tiền trong Bộ luật Hình sự tuy đã được cập nhật nhưng vẫn còn thiếu một số hành vi và đề nghị nên cập nhật theo các công ước quốc tế. Đó là vấn đề trợ giúp tại Điểm a, Điều 1 và Điểm b về chiếm hữu tài sản, tại thời điểm nhận tài sản, biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có. Chúng tôi nghiên cứu và thấy đúng ra là tội phạm thì phải được quy định trong Bộ luật Hình sự, nhưng Bộ luật Hình sự lại có một nguyên tắc mà hiện nay vẫn áp dụng đó là tội phạm chỉ được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trong Luật về phòng, chống rửa tiền không được quy định về tội phạm. Nếu muốn bổ sung những hành vi rửa tiền có tính chất tội phạm thì QH phải sửa đổi Bộ luật Hình sự. Sau đó, chúng tôi đã làm việc với các cơ quan hữu quan như Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và tham mưu trình QH một phương án đó là vẫn tuân thủ quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành nhưng vẫn bổ sung được những hành vi đang thiếu theo tiêu chuẩn của các công ước quốc tế, đó là 2 hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b, Khoản 1, Điều 4. Như vậy, trong trường hợp cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự chỉ áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự. Còn những hành vi bổ sung này nếu xử lý thì bằng biện pháp kinh tế hoặc bằng biện pháp hành chính...



ĐBQH Lê Thanh Vân (Hải Phòng): Nên có quy định riêng về lực lượng đặc trách chống rửa tiền

Về các nhóm biện pháp chống rửa tiền, thông thường pháp luật quốc tế và hầu hết các nước có 5 nhóm biện pháp để xử lý tội phạm rửa tiền, trong đó có nhận dạng tội phạm và hoạt động kiểm tra, rà soát hoạt động tội phạm. Thứ hai là cập nhật và xử lý thông tin về tội phạm rửa tiền. Thứ ba là lưu trữ hồ sơ của khách hàng. Thứ tư là báo cáo giao dịch theo sự nghi ngờ. Thứ năm là lực lượng đặc trách. Tuy nhiên trong dự thảo Luật mới đề cập đến 4 nhóm giải pháp. Riêng về giải pháp cập nhật và xử lý thông tin lại được tách ra làm hai mục. Quy định thì có nhưng việc sắp đặt lôgic thì tôi cho là chưa khoa học. Đặc biệt là lực lượng đặc trách về chống rửa tiền, trong dự thảo Luật không có và có giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan tổ chức lực lượng này. Theo tôi nên có một quy định riêng về lực lượng này.

Vấn đề thứ hai, Điều 40, Chương II về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống rửa tiền. Điều 40 của dự thảo Luật nói về trách nhiệm Bộ Xây dựng tôi nghĩ rằng việc rửa tiền của tội phạm không chỉ qua bất động sản mà còn thông qua cả động sản nữa như những vật có giá như ô tô, tàu thuyền, những vật có giá trị hay các hoạt động kinh doanh hợp pháp khác như kinh doanh nhà hàng, quán bar, kinh doanh khách sạn hay qua các hãng máy móc, thậm chí là cả qua casino. Nếu chúng ta nhấn mạnh bất động sản và quy định riêng cho Bộ Xây dựng một điều về trách nhiệm của Bộ Xây dựng thì những hoạt động tương tự dưới hình thức tương tự cũng phải quy định cho các bộ quản lý nhà nước khác.

Liên quan đến vấn đề thứ ba, đây là kỹ thuật luật pháp, tôi cho rằng phải tính đến một kỹ thuật lập pháp hiện đại theo hướng quy định các quy định của một đạo luật phải bám vào 3 nguyên tắc, đó là đưa ra các tình huống, đặt ra các quy định và các biện pháp chế tài xử lý như vậy các quy định của pháp luật mới sát nghĩa. Tôi tán thành quan điểm cho rằng điều “quét” ở cuối mỗi đạo luật quy định về trách nhiệm của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn, các điều kiện bảo đảm, các điều khoản ghi trong luật, nhưng theo tôi chúng ta chưa chú trọng đến hoạt động giải thích Hiến pháp, pháp luật. Tôi  tán thành với ý kiến là từ nay về mặt kỹ thuật lập pháp nên bỏ điều này. Thực chất điều này là điều, khoản chuyển tiếp để ủy quyền lập pháp cho Chính phủ, như vậy trái với nguyên tắc lập pháp, chỉ có thể QH ủy quyền cho UBTVQH thông qua việc ban hành Pháp lệnh và giải thích Hiến, pháp pháp luật.

ĐBQH Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình): Nội dung của luật chủ yếu là vấn đề chống rửa tiền…

Về 5 nội dung UBTVQH giải trình, tôi nhất trí 3 nội dung, phải bổ sung khái niệm tài sản về rửa tiền, phải đưa các nội dung điều cấm vào luật và quy định về vợ con, chị em ruột của cá nhân có ảnh hưởng chính trị. Ba điều này rất cần thiết, nó vừa phù hợp với thông lệ và công ước quốc tế, vừa phản ánh thực tế của đất nước chúng ta và khi đưa vào luật thì tính khả thi cao, giải quyết như thế này sẽ làm rõ và khi đưa ra rất dễ thực hiện. 3 vấn đề còn lại, tôi xin bổ sung, phân tích và nêu rõ như sau:

Về phạm vi điều chỉnh, tôi nhất trí vì cam kết của chúng ta đối với quốc tế, tránh những rắc rối phiền hà, tác động trong giao dịch quốc tế về tiền tệ tài chính trong tình hình hiện nay. Phải đưa nội dung chống tài trợ khủng bố vào đây, nhưng sự thực nội dung luật này chủ yếu là vấn đề chống rửa tiền. Đưa vào đây là đưa nguyên tắc còn vấn đề xử lý cụ thể thì phải đưa về Luật Phòng, chống tài trợ khủng bố. Tôi xin lưu ý, vì hai luật này ban hành ở thời gian khác nhau, luật này sẽ thông qua kỳ này, còn Luật Phòng, chống tài trợ khủng bố thì đến Kỳ họp thứ Tư mới đưa ra mà quy định phần rửa tiền chỉ mang tính nguyên tắc, còn xử lý phải chờ luật kia. Do có độ chênh về thực hiện và những vấn đề xảy ra cần phải xử lý thì phải có giải thích, giải đáp, có cơ chế, có nội dung để triển khai luật này không bị vướng.

Thứ hai, giá trị giao dịch phải báo cáo và báo cáo giao dịch đáng ngờ, tôi tán thành hai điểm. Một là không ghi mức cụ thể, mức đó sẽ được biểu hiện, được quy định cụ thể trong quá trình hoặc trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tôi không tán thành vấn đề thứ ba là giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch này vì Thủ tướng Chính phủ thấy rằng việc này cũng không đến mức quan trọng. Thời gian đầu có đề nghị là Thủ tướng Chính phủ giao cho ngân hàng và tôi thấy giao cho ngân hàng là hợp lý. Ngân hàng là cơ quan chức năng, theo dõi, có thể tham mưu, có thể quyết định các vấn đề. Tất nhiên trước khi làm phải có báo cáo với Thủ tướng. Vấn đề này cần phải có phân tích và nghiên cứu.

Thứ ba, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tôi đề nghị 2 ngành quan trọng nhất và có vị trí trong việc rửa tiền và chống khủng bố là ngân hàng và công an. Làm rõ vai trò của ngân hàng, chủ yếu là vấn đề chống rửa tiền, vai trò của công an chủ yếu là chống tội phạm và tài trợ khủng bố. Cho nên, phải làm rõ trách nhiệm, phải có cơ chế phối hợp hai ngành này, việc xử lý giải quyết của Thủ tướng cũng do hai ngành này báo cáo, phản ảnh và đưa ra những quyết định để Thủ tướng xử lý. Nếu nêu như thế này chắc chắn khi làm mà không có hướng dẫn cụ thể gì thêm, không có nội dung rõ ra thì cũng có thể vướng.

ĐBQH Nguyễn Sơn (Hà Nội): Thiết kế ngắn gọn, bảo đảm đầy đủ nhưng không rườm rà…

Theo tôi trách nhiệm phòng, chống rửa tiền là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân cho nên cố gắng thiết kế làm sao cho ngắn gọn và bảo đảm đầy đủ nhưng không rườm rà. Ở đây có một số nội dung chưa thể hiện được hết và chưa rõ ràng. Ví dụ như Điều 42, trách nhiệm của các cơ quan khác của Chính phủ. Đây các cơ quan khác của Chính phủ là các cơ quan nào, không rõ ràng. Hoặc nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Tòa án nhân dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp, luật tổ chức và luật tố tụng, đặc biệt là Luật tố tụng Hình sự trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Với các cơ quan này nếu nêu nội dung của Điều 38, Điều 43 và Điều 44 vừa không đầy đủ lại vừa thiếu một cái gì đó. Theo tôi thiết kế đối với 3 cơ quan này nếu đưa vào trong dự án luật này chỉ nên đưa là các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự hoặc cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án có trách nhiệm xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi phạm tội liên quan đến hành vi rửa tiền, không nên quy định cụ thể, chi tiết nội dung của các điều luật này.

Về kỹ thuật, Điều 43 trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử đối với các vụ án về rửa tiền. Nhưng đối với Điều 44, trách nhiệm của Tòa án nhân dân luật lại nêu là Tòa án nhân dân trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi rửa tiền, các hành vi vi phạm pháp luật khác về phòng, chống rửa tiền là các hành vi gì? Vì tội phạm với hành vi vi phạm có thể nó khác nhau, mà Tòa án không xử lý hành vi vi phạm. Cho nên chỗ này về cấu tạo kỹ thuật đề nghị xem xét, nếu được thì nên gộp 3 cơ quan này làm một.

Về Chương IV hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền, trong Khoản 3, Điều 49 nêu là Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình thực hiện việc hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp trong phòng, chống rửa tiền. Nếu so sánh điểm này với Luật Tương trợ tư pháp thì cũng không đầy đủ. Vì trong hoạt động hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng, chống tội phạm thì tư pháp hình sự có liên quan cả đến hoạt động của tòa án. Nếu quy định cụ thể như thế này thì rất phức tạp.

Theo Đại biểu nhân dân

0 nhận xét:

Đăng nhận xét