Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015

Hỏi:


Tôi đang sống ở Hà Nội nhưng mua một căn nhà tại Sài Gòn và muốn ủy quyền cho em họ sử dụng. Xin hỏi thủ tục thế nào? Người được giao sử dụng có quyền gì?

Hữu Minh


Trả lời:


Theo quy định tại Điều 581 Bộ luật dân sự năm 2005, “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên được ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 121 Luật nhà ở năm 2005 cũng quy định về nội dung ủy quyền quản lý nhà ở như sau: “Uỷ quyền quản lý nhà ở là việc chủ sở hữu nhà ở uỷ quyền cho người khác thực hiện trách nhiệm chủ sở hữu trong quản lý nhà ở. Nội dung và thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận và được ghi trong hợp đồng uỷ quyền; nếu không có thoả thuận về thời hạn uỷ quyền thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày ký kết hợp đồng uỷ quyền”.

Như vậy, việc ủy quyền quản lý nhà ở về bản chất quyền sở hữu tài sản vẫn thuộc về bên ủy quyền, người được ủy quyền chỉ có trách nhiệm trong việc quản lý nhà. Ủy quyền quản lý nhà ở là một quan hệ dân sự và nội dung quan hệ này sẽ do các bên tự thỏa thuận. Nếu thỏa thuận giữa các bên đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì được pháp luật công nhận (như chủ thể tham gia có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung không trái đạo đức xã hội, không vi phạm điều cấm của pháp luật và người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện).

Để mọi người cảm thấy thoải mái về mặt pháp lý, khi làm hợp đồng, bạn có thể thỏa thuận người sử dụng có quyền sử dụng, quản lý, sửa chữa, thay mặt cho bên ủy quyền nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất… Khi làm hợp đồng ủy quyền, hai bên cần nêu rõ phạm vi ủy quyền và thời hạn ủy quyền vì nếu không thỏa thuận về thời hạn thì theo quy định của pháp luật, hợp đồng uỷ quyền chỉ có hiệu lực một năm.

Về thủ tục: Hiện nay, trong phần quy định về hợp đồng ủy quyền, Bộ luật Dân sự 2005 (từ Điều 581 đến Điều 589) không có quy định bắt buộc về việc phải công chứng hợp đồng ủy quyền. Trong Luật Công chứng số 82/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 1/7/2007 cũng không có quy định cụ thể về nội dung này. Chỉ đến khi Luật Công chứng mới số 53/2014/QH13 ban hành ngày 20/6/2014 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 thì việc công chứng hợp đồng ủy quyền được quy định cụ thể tại Điều 55. Tuy nhiên trên thực tế, từ trước đến nay, các hợp đồng ủy quyền đều phải công chứng mới có giá trị pháp lý. Bởi vậy để làm bản hợp đồng ủy quyền quản lý ngôi nhà tại TP HCM, các bạn phải đến phòng (hoặc văn phòng) công chứng để lập và công chứng hợp đồng ủy quyền.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng mới số 53/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015: “Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.

Trên đây là những thông tin để ủy quyền sở hữu nhà đất cho người khác, những quy định về chuyển quyền sử dụng đất bạn có thể xem tại Những quy định sang tên quyền sở hữu nhà ở của chúng tôi.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét